Sức hút mạng xã hội của tổng thống Indonesia

Sức hút mạng xã hội của tổng thống Indonesia

Mạng xã hội là phương tiện hữu hiệu để Tổng thống Indonesia Joko Widodo lắng nghe tiếng nói của người dân, nhất là giới trẻ.

Tbdn.com.vn – Mới đây, Tổng thống Joko Widodo (thường gọi là Jokowi) được trao giải thưởng “Silver Play Button” (Nút bạc) của YouTube vì có trên 100.000 người đăng ký theo dõi kênh của ông. Ngoài vlog trên YouTube, ông Jokowi có trên 7 triệu người theo dõi trên Twitter, 6,9 triệu lượt “Thích” trên Facebook, và hơn 3 triệu người theo dõi trên Instagram, cao gấp ba lần so với Thủ tướng Canada Justin Trudeau.

Đoạn video Tổng thống Jokowi dùng bữa trưa cùng Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al-Saud trong chuyến thăm Indonesia đầu tháng 3 của nguyên thủ Ả Rập Xê Út đã thu hút gần 2 triệu lượt xem trên YouTube. Trong đó, ông Jokowi tự quay cảnh Quốc vương Salman đang ngồi ăn bên cạnh ông và mời nhà vua nói vài lời trước camera.

“Tổng thống Indonesia là một YouTuber (ngôi sao YouTube) đích thực. Ông thử nhiều phong cách video khác nhau, chẳng hạn quay 360 độ cảnh ăn xíu mại trong một chuyến công tác. Mỗi lần ông đăng video mới, số người đăng ký theo dõi lại tăng lên”, một người phát ngôn của YouTube nói với trang tin Mashable.

Ngoài các video thể hiện hình ảnh công việc hằng ngày, Tổng thống Jokowi cũng đăng tải những clip về đời sống cá nhân, chẳng hạn cảnh ông cùng con trai chơi bắn cung, vật tay và “khoe” đàn dê cưng. Không chỉ thế, tổng thống xứ vạn đảo còn dùng Facebook tổ chức chương trình kêu gọi mọi người hiến tặng xe đạp cho trẻ em và người nghèo.

Lắng nghe giới trẻ

Lý giải về sự đầu tư cho mạng xã hội của ông Jokowi, ông Bey Machmudin, một quan chức phụ trách truyền thông thuộc Văn phòng Tổng thống, cho biết: “Tổng thống muốn tiếp thu ý kiến của người dân thông qua mạng xã hội, trước tiên là giới trẻ”. Hồi cuối tháng 2, ông mở chuyên mục hỏi đáp #JokowiMenjawab, mời gọi thanh thiếu niên (13 – 20 tuổi) tự quay video 30 giây gửi vào hộp thư Facebook và đặt bất kỳ câu hỏi từ chính sách cho đến sở thích cá nhân.

Sinh viên Đại học Bagus Nandiswara (20 tuổi) ở Bali là người đầu tiên gửi câu hỏi. “Thưa tổng thống, liệu một giáo viên có thể ký hợp đồng chính thức dựa trên năng lực mà không phải hối lộ cho các quan chức phòng giáo dục?”, Bagus nói trong video tự quay khi ngồi trong phòng ngủ. Trả lời phỏng vấn tờ The Jakarta Post (Indonesia), Bagus cho biết anh đưa ra câu hỏi này do lo ngại nhiều người không có năng lực ở địa phương dễ dàng trở thành thầy cô giáo nhờ hối lộ.

Trong khi đó, Widi Rohana (20 tuổi), một cô gái phải bỏ học để làm người giúp việc ở thành phố Pekalongan, đặt vấn đề: “Tổng thống có thể tạo ra nhiều cơ hội việc làm tốt hơn cho những người có trình độ học vấn cao nhất là trung học phổ thông? Chúng tôi không thể tìm được công việc có mức lương ổn định”. Ngoài ra, các bạn trẻ khác cũng tò mò về đời sống cá nhân của ông Jokowi.

Một số câu hỏi hiện đã được tổng thống Indonesia giải đáp trong hai video #JokowiMenjawab phần 1 và phần 2 (vừa đăng tải ngày 8/4). Tuy nhiên, trong 2 phần đầu, ông Jokowi chỉ mới trả lời một số câu hỏi về âm nhạc, ngành công nghiệp giải trí và năng lực lãnh đạo. Thế nên Bagus, Widi và những người khác có thể sẽ phải đợi đến các video tiếp theo.

Công cụ chính trị

Giới quan sát nhận định việc sử dụng mạng xã hội để kết nối với giới trẻ mang lại cho ông Jokowi lợi thế chính trị đáng kể. Trong cuộc bầu cử hồi năm 2014, mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch vận động tranh cử của ông. “Theo Quỹ dân số LHQ, Indonesia có trên 65 triệu người ở độ tuổi 10 – 24, chiếm gần 30% dân số. Vì thế, ông ấy muốn thu hút thêm nhiều cử tri trẻ”, nhà nghiên cứu Tobias Basuki thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Jakarta nói với Đài Channel NewsAsia (Singapore).

Giữa lúc nhiệm kỳ tổng thống 5 năm đã trôi qua quá nửa, thu hút giới trẻ là yếu tố then chốt nếu ông Jokowi có ý định tái tranh cử vào năm 2019. “Ông ấy không thể kiểm soát toàn bộ đảng cầm quyền, nhưng sự ủng hộ của nhân dân và nhất là giới trẻ thì quan trọng hơn”, ông Tobias cho biết. Báo The Jakarta Post dẫn lời chuyên gia chính trị học Zaenal Budiyono thuộc Đại học Al-Azhar nhận định chương trình hỏi đáp là chiến dịch PR từ nhóm phụ trách mạng xã hội của tổng thống để thu hút thêm sự ủng hộ từ cử tri trẻ.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định chiến dịch PR như thế này cũng tiềm ẩn những nguy cơ. “Nếu tổng thống nói điều gì sai hay vấn đề nào đó nhạy cảm thì các đối thủ chính trị hay phe đối lập có thể dùng chúng chống lại ông. Tôi nghĩ rằng đó là rủi ro lớn nhất về mặt chính trị”, ông Tobias nói.

Nguồn Thanh Niên

Leave a Reply